GDP 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: B.NGỌC

Đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro.

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê tổ chức tại Hà Nội ngày 29-6, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tính riêng trong quý 2 năm nay GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2-2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây.

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, bà Hương cho hay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%, khu vực dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,6%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát (CPI) bình quân quý 2-2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm.

Và chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7%, tác động làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo thông tư số 22 năm 2023 của Bộ Y tế.